Phỏng vấn visa du học Mỹ F1 là mối quan tâm của nhiều sinh viên quốc tế khi mơ về giấc mơ du học Mỹ, các bạn sinh viên Việt Nam cũng không ngoại lệ với nỗi lo này. Vấn đề xin visa không chỉ việc bạn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ là có thể nhận được sự chấp thuận của ban lãnh sự. Có nhiều người đã phỏng vấn rất nhiều lần nhưng vẫn bị từ chối cấp visa. Trong khi đó, có một số người lại đậu visa ngay lần đầu hoặc chỉ bị từ chối 1, 2 lần. Vậy kinh nghiệm để có thể nâng tỷ lệ đậu visa ngay lần đầu tiên là gì? Cùng tham khảo trong bài viết sau nhé.
Tìm hiểu kĩ về trường và ngành nghề bạn muốn theo đuổi
Để chứng minh với lãnh sự Mỹ rằng bạn muốn qua Mỹ vì mục đích du học, bạn phải tỏ ra rằng mình rất hiếu kỳ và quan tâm đến việc học tập của bản thân – thể hiện qua những thông tin cặn kẽ về chương trình, cơ sở đào tạo, địa điểm nơi bạn sẽ theo học. Việc am hiểu những điều này sẽ chứng tỏ được với người phỏng vấn rằng bạn rất nghiêm túc và mong muốn được sang Mỹ du học.
Bạn có thể tìm hiểu về trường mình qua website chính thức của trường. Bạn cũng nên đọc những lời nhận xét của cựu sinh viên về trường để trả lời câu hỏi “Vì sao bạn chọn trường này mà không phải một trường khác của Mỹ?”
Một số câu hỏi thông dụng về trường
- Bạn đã nộp đơn vào bao nhiêu trường?
- Bao nhiêu trường đã nhận bạn?
- Bao nhiêu trường đã từ chối bạn?
- Bạn có biết thầy cô giáo/giáo sư nào ở trường đó không? Tên họ là gì?
- Vì sao bạn chọn trường này?
- Trường bạn nằm ở thành phố nào?
Những câu hỏi liên quan đến kế hoạch học tập
- Bạn đến Mỹ để làm gì?
- Bạn định học ngành gì trong tương lai?
- Vì sao bạn chọn nghề đó?
- Bạn đang học trường nào?
- Bạn đang làm ở đâu? Bạn làm ngành gì?
- Vì sao bạn muốn tiếp tục học thêm?
- Bạn không thể tiếp tục học thêm ở Việt Nam ư?
Khẳng định bạn muốn quay về Việt Nam sau khi học xong
Một trong những điều kiện tiên quyết để bạn thành công trong buổi phỏng vấn visa du học Mỹ F1 là bạn chứng minh được mình sẽ trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khoá học. Bạn phải chứng minh được bạn có những mối quan hệ và nghĩa vụ, bao gồm gia đình, tài sản hoặc lời mời làm việc chờ sẵn thúc đẩy bạn quay về Việt Nam.
Những lý do để thuyết phục không cần phải tính vĩ mô như muốn quay về để xây dựng đất nước, mà có thể là những lý do cá nhân như muốn về ở gần gia đình. Bạn có thể dùng cả những lý do như có bạn trai/bạn gái hay vợ/chồng/con ở Việt Nam và muốn quay về ngay sau khi học để đoàn tụ với người thân.
Một số câu hỏi thường gặp về kế hoạch sau khi hoàn thành khoá học:
- Bạn có kế hoạch gì sau khi tốt nghiệp?
- Bạn có ý định về lại Việt Nam sau khi hoàn thành khoá học không?
- Bạn có tiếp tục làm cho công ty hiện thời sau khi tốt nghiệp?
Đừng nói dối
Hẳn bạn rất thắc mắc việc có nên nói dối cho câu hỏi “Bạn có người thân ở Mỹ không?” Đây là một câu hỏi vô cùng thông dụng, và đa số người đi phỏng vấn lần đầu nào cũng sẽ gặp phải. Nếu nói có người thân ở Mỹ thì rất có thể lãnh sự Mỹ sẽ nghĩ bạn có cơ sở và điều kiện để ở lại Mỹ và không chịu về. Trong trường hợp bạn nói dối là “Không có người thân ở Mỹ” mà bị phát hiện ra, thì sẽ “bôi xấu” hồ sơ của bạn vĩnh viễn, và rất có thể bạn sẽ không bao giờ phỏng vấn đậu.
Hơn nữa, như bạn biết đấy, lời nói dối luôn có xu hướng bị thổi phồng nên nếu lỡ nói dối một lần, bạn có thể phải nói dối từ chuyện này sang chuyện khác, và như vậy nguy cơ “lỡ miệng” là rất lớn. Thật ra có rất nhiều du học sinh có người thân ở Mỹ khi đi phỏng vấn đều khai thật là có người thân nhưng vẫn đậu. Nên bạn hãy cân nhắc trước khi nói dối điều gì.
Chứng minh khả năng học tập của bạn
Không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn được yêu cầu chứng minh năng lực học thuật trong quá trình phỏng vấn visa du học Mỹ F-1. Học bạ, bảng điểm của những chương trình trước đây đều có thể được đánh giá để xác định khả năng thành công của bạn đối với chương trình học mà bạn sắp theo đuổi. Vì vậy, đừng quên đem theo học bạ, hay những chứng chỉ học tập (GRE/GMAT/IELTS…), bằng cấp, chứng chỉ… mà bạn có.
Một số câu hỏi thông dụng liên quan đến năng lực học thuật:
- Điểm GRE/GMAT/SAT/TOEFL/IELTS của bạn như thế nào?
- Điểm trung bình ở trường của bạn trước đây ra sao?
- Làm sao để bạn có thể thích nghi với văn hoá lẫn giáo dục ở Mỹ?
- Tiếng Anh của bạn tốt chứ?
- Vì sao bạn muốn học ở Mỹ? thay vì những nước như Canada, Anh, hay Úc?
- Bạn biết gì về việc học tập ở Mỹ?
Đem theo những giấy tờ chứng minh tài chính cho bạn
Đây là phần quan trọng nhất để thành công phỏng vấn visa du học Mỹ F-1. Bất kể trình độ học vấn của bạn là gì, bạn không thể có được thị thực sinh viên F-1 mà không có phương tiện tài chính phục vụ cho quá trình du học Mỹ. Điều quan trọng là phải khẳng định được bạn và gia đình đã có một kế hoạch tài chính vững chắc – giúp đảm bảo cả học phí và sinh hoạt phí (nhà ở, thực phẩm, giao thông, bảo hiểm y tế và tất cả các chi phí liên quan). Vì vậy, đừng quên những giấy tờ để chứng minh tài chính như sổ đỏ, sao kê ngân hàng, sổ tiết kiệm…
Một số câu hỏi thông dụng liên quan đến việc chứng minh tài chính:
- Lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?
- Lương của người bảo lãnh bạn là bao nhiêu?
- Người bảo lãnh bạn làm nghề gì?
- Làm sao bạn có thể chi trả cho thời gian học tập ở Mỹ?
- Học phí trường bạn là bao nhiêu?
- Ai sẽ chi trả cho bạn đi học?
- Bạn có được học bổng không?
Xác nhận rằng bạn sẽ không đi làm thêm ngoài trong quá trình học tập
Khác với nhiều nước khác, du học sinh ở Mỹ không được phép đi làm thêm ở ngoài trường học trừ khi có đăng ký CPT hay OPT. Việc làm thêm trái phép có thể dẫn đến việc bị trục xuất khỏi Mỹ và có thể không bao giờ quay lại Mỹ dù dưới bất kì loại visa nào. Một số học sinh du học Việt Nam ở Houston (Texas) đã bị bắt khi đi làm thêm trái phép ở ngoài và bị trục xuất ngay tại chỗ. Vì vậy nên bạn phải chứng minh và xác định lập đi lập lại rằng dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào bạn cũng sẽ không làm thêm trái phép ở ngoài, nếu có làm thêm thì sẽ chỉ làm các công việc trên khu học xá.
Luyện tiếng Anh nghe-nói
Điều này sẽ giúp bạn trao đổi với các nhân viên trong đại sứ quán hoặc lãnh sự quán một cách dễ dàng hơn, cũng như phần nào chứng minh kỹ năng Anh ngữ của bạn đủ để theo đuổi việc học tập tại Mỹ. Có nhiều cách bạn có thể thực hành kỹ năng tiếng Anh đàm thoại, ví dụ bằng cách xem các chương trình truyền hình Mỹ, nghe và dịch các bài hát yêu thích hay đọc sách bằng tiếng Anh chẳng hạn.
Giữ thái độ tích cực
Hãy tự tin, giữ bình tĩnh và mỉm cười. Khi mới gặp người phỏng vấn, hãy mỉm cười tự nhiên và chào họ như “Good morning/afternoon sir/ma’am”. Hãy để họ thấy một hình ảnh tích cực và tự tin, và bạn sẽ có một cuộc phỏng vấn visa du học Mỹ thành công.
Cuối cùng, đem theo đầy đủ giấy tờ bắt buộc, và đến đúng giờ
Còn một điều cuối cùng mà ai cũng biết là phải đem theo đầy đủ giấy tờ như mẫu tờ khai I-20, giấy hẹn phỏng vấn, thư trúng tuyển của trường…
Bạn nên chuẩn bị trước ngày đi phỏng vấn visa du học Mỹ F1 để tránh sai sót. Ngoài ra, vì việc xếp hàng vào đại sứ quán/lãnh sự quán Mỹ thường kéo dài rất lâu, trong khi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại thường kẹt xe, nên bạn hãy tính toán để tránh việc trễ giờ hẹn phỏng vấn.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của những người đi phỏng vấn, ở Hà Nội thường sẽ phỏng vấn dài hơn (trung bình khoảng 15-30 phút), hỏi kĩ hơn nhưng thường nếu chuẩn bị kĩ càng và thái độ trung thực sẽ không khó đậu visa du học. Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh thì quá trình phỏng vấn sẽ ngắn hơn rất nhiều.
Hi vọng những thông tin trên có thể giúp ích cho bạn để có một buổi phỏng vấn visa du học Mỹ F1 thành công. Hãy ghi chú lại những câu hỏi để luyện tập trả lời cho thật tốt trước khi bước vào buổi phỏng vấn thật sự bạn nhé. Chúc bạn thành công trên con đường du học đất Mỹ của mình.